Cách Viết Kịch Bản Chăm Sóc Khách Hàng Nha Khoa (Kèm Mẫu)
Một kịch bản chăm sóc khách hàng nha khoa hiệu quả giúp tạo nên mối quan hệ bền vững với khách hàng, tăng tỷ lệ chuyển đổi và tỷ lệ giữ chân khách hàng. Vậy một kịch bản tư vấn nha khoa cần phải có những nội dung gì và triển khai như thế nào? Cùng tham khảo cách viết kịch bản chăm sóc khách hàng nha khoa trong bài viết này nhé!
1. Cấu Trúc Cơ Bản Của Kịch Bản Chăm Sóc Khách Hàng Nha Khoa
Tùy vào mục tiêu của cuộc gọi mà mỗi loại kịch bản nha khoa sẽ có nội dung, hướng triển khai khác nhau. Nhưng trên cơ bản thì đều dựa trên một cấu trúc chung như sau:
Mở đầu: Chào hỏi và giới thiệu
- Chào hỏi: Chào hỏi khách hàng một cách thân thiện và chuyên nghiệp.
Ví dụ: “Chào Anh/Chị, em là [Tên nhân viên] của phòng khám [Tên phòng khám].”
- Trình bày lý do: Trình bày ngắn gọn về mục đích cuộc gọi.
Ví dụ: “Hôm nay em gọi cho Anh/Chị để nhắc về lịch hẹn tái khám của Anh/Chị vào thứ Năm tới ạ.”
- Nhắc lại thông tin: Trong trường hợp đã từng liên hệ với khách hàng, hãy nhắc lại thông tin về cuộc gọi trước đó để tạo cảm giác gần gũi.
Ví dụ: “Hôm trước, Anh/Chị có liên hệ với bên em để tham khảo về gói dịch vụ trồng răng implant. Không biết là mình có cần em tư vấn gì thêm không ạ?”
Nội dung chính: Tư vấn và sắp xếp lịch hẹn
- Tiến hành tư vấn: Tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, giới thiệu dịch vụ phù hợp và giải thích rõ ràng về phương pháp điều trị, lợi ích và chi phí.
- Giải đáp thắc mắc: Lắng nghe câu hỏi của khách hàng và giải đáp một cách cụ thể, chính xác và dễ hiểu.
- Đặt lịch hẹn: Đề xuất lịch hẹn cụ thể, phù hợp với thời gian của khách hàng, đồng thời xác nhận lại thông tin về ngày giờ, bác sĩ phụ trách.
- Giới thiệu ưu đãi: Giới thiệu các chương trình khuyến mãi và ưu đãi đang diễn ra (nếu có).
- Thu thập phản hồi: Trong trường hợp gọi điện CSKH sau dịch vụ, cần chú ý thu thập ý kiến của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ và ghi nhận lại để cải thiện chất lượng dịch vụ.
Kết thúc cuộc gọi: Cảm ơn và gợi ý giới thiệu
- Cảm ơn khách hàng: Cảm ơn khách hàng đã dành thời gian cho cuộc gọi.
- Gợi ý quay lại hoặc giới thiệu: Mời khách hàng quay lại phòng khám hoặc giới thiệu dịch vụ đến người thân, bạn bè.
2. 5+ Mẫu Kịch Bản Chăm Sóc Khách Hàng Nha Khoa Phổ Biến
2.1. Mẫu Kịch bản Tư vấn Dịch vụ Nha khoa
Một kịch bản telesale nha khoa chuyên nghiệp sẽ giúp nhân viên tư vấn dễ dàng tiếp cận và tạo ấn tượng tích cực cho khách hàng. Dưới đây là một mẫu kịch bản Tư vấn dịch vụ Nha khoa cho khách hàng:
Nhân viên: “Alo, chào Anh/Chị [Tên khách hàng]. Em là [Tên nhân viên], nhân viên tư vấn của phòng khám nha khoa [Tên phòng khám]. Em nhận được thông tin là Anh/Chị có nhu cầu tư vấn thêm về dịch vụ của bên em. Anh/Chị có thể chia sẻ rõ hơn về tình trạng mà mình gặp phải không ạ?”
Khách hàng: “Răng của mình bị … ”
Nhân viên: “Cho em hỏi chút là mình mới bị lần đầu hay bị lâu rồi ạ? Trước đây Anh/Chị đã từng thăm khám lần nào chưa? [Đặt câu hỏi để tìm hiểu rõ hơn về nhu cầu của khách hàng].”
Khách hàng: “Mình mới bị lần đầu, chưa đi thăm khám ở đâu cả. […]”
Nhân viên: “Qua mô tả của Anh/Chị thì có thể là mình đang bị [Vấn đề mà khách hàng có thể mắc phải]. Với tình trạng này, em đề xuất Anh/Chị nên đến phòng khám trong thời gian sớm nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.”
Nhân viên: “Hiện tại bên em đang có dịch vụ [Tên dịch vụ liên quan đến vấn đề của khách hàng]. Dịch vụ này sẽ giúp Anh/Chị [Lợi ích của dịch vụ]. Ngoài ra thì bên em sẽ miễn phí khám và tư vấn cho các khách hàng mới sử dụng dịch vụ lần đầu tiên. Anh/Chị có muốn em hỗ trợ đặt lịch khám cho mình luôn không ạ?”
Khách hàng: “Vậy xếp lịch tư vấn cho mình vào lúc [Thời gian] nhé.”
Nhân viên: “Dạ vâng, Anh/Chị cho em xin thông tin cá nhân gồm tên và số điện thoại để em đăng ký giúp mình nhé ạ.”
2.2. Mẫu kịch bản Chăm sóc khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ Nha khoa
Chăm sóc khách hàng sau dịch vụ là việc vô cùng quan trọng để tăng trải nghiệm và giữ chân khách hàng. Dưới đây là một mẫu kịch bản chăm sóc khách hàng nha khoa sau khi sử dụng dịch vụ tại phòng khám:
Nhân viên: “Chào Anh/Chị [Tên khách hàng]. Em là [Tên nhân viên], nhân viên chăm sóc khách hàng của phòng khám nha khoa [Tên phòng khám]. Vào ngày [Thời gian] vừa rồi, Anh/Chị có sử dụng dịch vụ [Tên dịch vụ] của bên em. Không biết là hiện tại tình trạng răng miệng của mình như thế nào rồi ạ?”
- Nếu khách hàng phản hồi tích cực:
Khách hàng: “Răng của mình đang phục hồi tốt.”
Nhân viên: “Dạ vâng. Không biết là Anh/Chị có hài lòng với dịch vụ và quy trình chăm sóc tại phòng khám không ạ? Bên em rất mong nhận được phản hồi từ Anh/Chị để có thể cải thiện chất lượng dịch vụ tốt hơn.”
Khách hàng: “Mình thấy rất hài lòng với dịch vụ.”
Nhân viên: “Em cảm ơn Anh/Chị nhiều ạ. Trong thời gian này, Anh/Chị lưu ý [Nhắc lại các lưu ý sau điều trị, ví dụ: không ăn đồ cứng, đồ chua cay…]
Nhân viên: “Nếu Anh/Chị có nhu cầu tái khám hoặc điều trị thêm, đừng ngần ngại liên hệ với chúng em. Đối với các khách hàng đã từng sử dụng dịch vụ tại phòng khám, bên em sẽ tặng ưu đãi giảm giá cho các dịch vụ tái khám hoặc chăm sóc răng định kỳ. Phòng khám rất mong được phục vụ Anh/Chị trong những lần tiếp theo.”
- Nếu khách hàng phản hồi tiêu cực:
Khách hàng: “Trong quá trình điều trị, mình rất không hài lòng vì …”
Nhân viên: Em rất xin lỗi vì trải nghiệm không tốt của Anh/Chị. Em đã ghi nhận lại trường hợp của Anh/Chị và sẽ chuyển thông tin này đến bác sĩ phụ trách của Anh/Chị để đưa ra phương án hỗ trợ sớm nhất. Cảm ơn Anh/Chị rất nhiều vì đã chia sẻ để phòng khám có cơ hội cải thiện dịch vụ tốt hơn.”
2.3. Mẫu kịch bản Telesale nha khoa Nhắc hẹn tái khám
Mục tiêu của dạng kịch bản này là nhằm đảm bảo khách hàng không quên lịch tái khám. Qua đó, thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe răng miệng của khách hàng, tạo thiện cảm và duy trì mối quan hệ lâu dài với họ.
Dưới đây là một mẫu kịch bản chăm sóc khách hàng nha khoa nhắc hẹn tái khám:
Nhân viên: “Chào Anh/Chị [Tên khách hàng], em là [Tên nhân viên], gọi từ phòng CSKH của phòng khám nha khoa [Tên phòng khám]. Em gọi để nhắc Anh/Chị về lịch tái khám của mình vào lúc [Thời gian]. Không biết là hôm đó mình có bận gì không ạ?”
Khách hàng: “Hôm đó mình đến được nhé.”
Nhân viên: “Dạ vâng. Vào ngày tái khám, Anh/Chị vui lòng [Nhắc lại những điều cần lưu ý khi đến tái khám, ví dụ: mang theo giấy khám bệnh…].”
Nhân viên: “Đây là buổi kiểm tra định kỳ để bác sĩ xem xét kết quả điều trị và đánh giá tình trạng răng miệng của Anh/Chị. Việc tái khám định kỳ giúp duy trì hiệu quả điều trị và kịp thời phát hiện các vấn đề nếu có. Vì vậy nên em hy vọng là Anh/Chị sẽ đến tái khám đúng hẹn.”
Nhân viên: “Trong trường hợp Anh/Chị có việc đột xuất không thể đến được, vui lòng gọi lại cho em qua số điện thoại này, em sẽ hỗ trợ sắp xếp lại lịch tái khám cho Anh/Chị ạ. Cảm ơn Anh/Chị vì đã dành thời gian cho em và hẹn gặp lại Anh/Chị vào ngày [Thời gian] tới ạ.”
2.4. Mẫu kịch bản Giới thiệu chương trình khuyến mãi
Việc giới thiệu chương trình khuyến mại là một cách hiệu quả để thu hút khách hàng và tăng doanh thu cho phòng khám nha khoa. Dưới đây là một vài mẫu kịch bản giới thiệu chương trình khuyến mãi mà bạn có thể thử tham khảo:
Nhân viên: “Chào Anh/Chị [Tên khách hàng]. Em là [Tên nhân viên], nhân viên chăm sóc khách hàng của phòng khám nha khoa [Tên phòng khám]. Hiện tại, phòng khám bên em đang có chương trình khuyến mãi đặc biệt, chỉ dành riêng cho các khách hàng thân thiết như Anh/Chị thôi ạ. Không biết là Anh/Chị có thể cho em xin ít phút để giới thiệu qua về chương trình không ạ?”
Khách hàng: “Em nói đi.”
Nhân viên: “Dạ vâng, hiện tại bên em đang triển khai chương trình khuyến mãi [Tên chương trình] để tri ân các khách hàng thân thiết đã dành sự tin tưởng cho [Tên phòng khám] trong thời gian qua. Cụ thể, trong khoảng thời gian từ ngày … đến ngày …, Anh/Chị sẽ được hưởng các ưu đãi sau: [Nêu ưu đãi].”
Nhân viên: “Chương trình này được thực hiện nhằm giúp các khách hàng thân thiết có thể trải nghiệm dịch vụ với chi phí ưu đãi nhất. Anh/Chị có thể tận dụng cơ hội này để kiểm tra răng định kỳ hoặc trải nghiệm thêm các dịch vụ mới của phòng khám.”
Nhân viên: “Anh/Chị có hứng thú với chương trình khuyến mãi này không ạ? Em có thể hỗ trợ mình đặt lịch sớm để nhận ưu đãi trước khi chương trình kết thúc.”
- Nếu khách hàng đồng ý:
Khách hàng: “Ok, đăng ký giúp chị dịch vụ [Tên dịch vụ] vào ngày [Thời gian] nhé.”
Nhân viên: “Dạ vâng, em xin phép đặt lịch cho Anh/Chị vào ngày [Thời gian] cho dịch vụ [Tên dịch vụ]. Em sẽ gửi tin nhắn xác nhận thông tin qua Zalo/Gmail để Anh/Chị tiện theo dõi. Nếu có bất kỳ thay đổi nào, Anh/Chị cứ liên hệ với em để nhận được hỗ trợ nhanh nhất.”
- Nếu khách hàng cần thêm thời gian suy nghĩ:
Khách hàng: “Để Anh/Chị cân nhắc thêm nhé.”
Nhân viên: “Dạ, em hiểu ạ. Vậy em sẽ gửi chi tiết chương trình qua Zalo/Gmail để Anh/Chị tham khảo thêm. Khi nào có thời gian, Anh/Chị có thể cân nhắc và đặt lịch để hưởng ưu đãi. Chương trình chỉ kéo dài đến hết ngày [Thời gian], nên Anh/Chị lưu ý và liên hệ với chúng em sớm để không bỏ lỡ ưu đãi này nhé ạ.”
2.5. Mẫu kịch bản Chăm sóc khách hàng Nha khoa Xử lý khiếu nại
Xử lý khiếu nại một cách khéo léo và hiệu quả là cách để giữ chân khách hàng, bảo vệ hình ảnh cũng như uy tín của phòng khám nha khoa. Để làm được điều này, Telesales cần biết cách tập trung lắng nghe, thể hiện sự đồng cảm và đưa ra giải pháp hợp lý, giúp khách hàng cảm thấy được tôn trọng.
Dưới đây là một mẫu kịch bản xử lý khiếu nại dành cho phòng khám nha khoa:
Nhân viên: “Alo, cho hỏi đây có phải số điện thoại của Anh/Chị [Tên khách hàng] không ạ?”
Khách hàng: “Đúng rồi, ai đấy?”
Nhân viên: “Dạ em chào Anh/Chị [Tên khách hàng]. Em là [Tên nhân viên], nhân viên chăm sóc khách hàng của phòng khám nha khoa [Tên phòng khám]. Bên em vừa nhận được phản hồi của Anh/Chị về dịch vụ [Tên dịch vụ] và em rất xin lỗi nếu trải nghiệm của Anh/Chị chưa được như mong đợi.”
Nhân viên: “Em rất mong được lắng nghi chi tiết về vấn đề để có thể hỗ trợ Anh/Chị một cách tốt nhất. Anh/Chị có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề mà mình gặp phải được không ạ”
Khách hàng: “[Mô tả về vấn đề họ gặp phải].”
Nhân viên: “Dạ vâng, em rất xin lỗi vì đã gây ra sự bất tiện cho Anh/Chị. Em hoàn toàn hiểu cảm giác của Anh/Chị khi gặp phải tình huống như vậy. [Tên phòng khám] rất trân trọng ý kiến đóng góp của Anh/Chị để có thể cải thiện dịch vụ tốt hơn.”
Nhân viên: “Em xin phép giải thích một chút về tình huống này để Anh/Chị có thể hiểu rõ hơn. Do [Giải thích ngắn gọn, không đổ lỗi]. Bên em rất tiếc vì điều này đã ảnh hưởng đến trải nghiệm của Anh/Chị.”
Nhân viên: “Để giải quyết tình huống này, em xin phép được đưa ra phương án giải quyết như sau: [Đưa ra giải pháp cụ thể, ví dụ: mời khách hàng tái khám miễn phí, cung cấp dịch vụ bổ sung, tặng voucher giảm giá…]. Anh/Chị thấy phương án này có phù hợp không ạ? Nếu Anh/Chị còn điều gì chưa hài lòng, em rất sẵn sàng tiếp nhận để điều chỉnh cho phù hợp.”
Khách hàng: “Mình ok với phương án này nhé.”
Nhân viên: “Dạ vâng, cảm ơn Anh/Chị rất nhiều vì đã thông cảm cũng như giúp phòng khám nhận ra điểm cần khắc phục. Bên em cam kết sẽ rút kinh nghiệm và cải thiện để tránh tình huống tương tự xảy ra.”
Nhân viên: “Một lần nữa, em rất xin lỗi vì trải nghiệm không tốt của Anh/Chị. Hy vọng rằng trong tương lai, em vẫn có cơ hội được phục vụ và mang đến cho Anh/Chị dịch vụ tốt nhất.”
2.6. Kịch bản Nhắc nhở khách hàng khám răng định kỳ
Tương tự như việc khám sức khỏe định kỳ, khám răng định kỳ là một việc vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe răng miệng. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được tầm quan trọng của việc khám răng định kỳ.
Để thúc đẩy khách hàng khám răng định kỳ, các phòng khám nha khoa nên chủ động liên hệ với khách hàng. Đây vừa là dịp để họ ý thức được tầm quan trọng của việc chăm sóc răng miệng, vừa là cơ hội để phòng khám kết nối, duy trì mối quan hệ lâu dài với khách hàng.
Dưới đây là một mẫu kịch bản nhắc nhở khách hàng khám răng định kỳ:
Nhân viên: “Chào Anh/Chị [Tên khách hàng], em là [Tên nhân viên] của phòng khám nha khoa [Tên phòng khám]. Em liên hệ với Anh/Chị hôm nay để nhắc Anh/Chị về lịch khám răng định kỳ của mình.”
Nhân viên: “Em thấy trong hồ sơ của Anh/Chị, lần khám gần nhất là vào [Thời gian]. Theo khuyến cáo của nha sĩ, việc khám răng định kỳ 6 tháng một lần là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe răng miệng.”
Khách hàng: “Dạo này tôi khá bận, không có thời gian để khám. Với lại răng của tôi cũng không có vấn đề gì.”
Nhân viên: “Dạ Anh/Chị ơi, việc khám răng định kỳ là để đảm bảo có thể phát hiện sớm các bệnh lý về răng miệng, từ đó đưa ra biện pháp điều trị phù hợp, hiệu quả và ít để lại di chứng nhất. Các bệnh về răng miệng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn như viêm nội tâm mạc, viêm khớp, tiểu đường hay thậm chí là ảnh hưởng đến tim đó ạ.”
Khách hàng: “Nghiêm trọng vậy cơ à.”
Nhân viên: “Dạ vâng. Ngoài ra thì đây cũng là dịp để các nha sĩ đánh giá tổng quát tình trạng răng miệng, loại bỏ mảng bám, lấy cao răng và đưa ra những lời khuyên phù hợp về cách chăm sóc răng miệng tại nhà ạ. Anh/Chị có muốn em sắp xếp lịch khám cho mình luôn không ạ?”
Khách hàng: “Ok, vậy sắp xếp lịch khám cho tôi vào ngày [Thời gian] nhé.”
3. Cách Xây Dựng Kịch Bản Chăm Sóc Và Tư Vấn Nha Khoa Hiệu Quả
Khi xây dựng kịch bản chăm sóc khách hàng nha khoa, cần chú trọng đến một số yếu tố để đảm bảo hiệu quả trải nghiệm cho khách hàng. Cụ thể:
- Hiểu rõ đối tượng khách hàng: Nắm rõ đối tượng khách hàng cần hướng đến là ai, đặc điểm, tình trạng sức khỏe, mối quan tâm cũng như nỗi lo của họ là gì.
- Xác định mục tiêu kịch bản: Xác định mục tiêu cụ thể bạn muốn đạt được với kịch bản này, ví dụ như tăng doanh thu, cải thiện hình ảnh thương hiệu hay giữ chân khách hàng, tăng tỷ lệ quay lại.
- Xây dựng kịch bản chi tiết: Kịch bản cần được thiết kế cho các tình huống khác nhau, trong đó cần có chi tiết cách trả lời câu hỏi, cung cấp thông tin dịch vụ cũng như giải đáp thắc mắc cho khách hàng.
- Ngắn gọn, súc tích: Tâm lý chung của khách hàng đều muốn được giải quyết vấn đề hoặc giải đáp thắc mắc càng nhanh càng tốt. Do đó, hãy xây dựng kịch bản thật ngắn gọn, súc tích, tập trung vào thông tin quan trọng, tránh cung cấp các thông tin cơ bản không cần thiết.
- Cá nhân hóa kịch bản: Khi viết kịch bản cuộc gọi, hãy cân nhắc đến nhu cầu cụ thể của bệnh nhân và điều chỉnh kịch bản sao cho phù hợp với từng đối tượng khách hàng.
- Đào tạo nhân viên tư vấn: Thường xuyên đào tạo nhân viên về kỹ năng giao tiếp và cập nhật kiến thức chuyên môn, đồng thời cải tiến kịch bản định kỳ dựa trên phản hồi và đánh giá thực tế từ phía khách hàng.
- Xác định rõ quy trình khám bệnh: Khách hàng thường sẽ không nắm rõ quy trình đăng ký và thăm khám. Họ có cần phải lên lịch hẹn không? Sau khi đăng ký lịch hẹn họ cần làm gì? Có ai gọi lại cho họ để xác nhận không? Bằng cách nêu rõ các bước tiếp theo, bạn có thể giúp khách hàng giảm bớt lo lắng, đảm bảo họ nắm rõ các thông tin và cảm thấy tự tin hơn khi đến khám.
4. Cách Giữ Chân Khách Hàng Nha Khoa Hiệu Quả
4.1. Nguyên nhân khiến Phòng khám Nha khoa mất khách
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc khách hàng không vừa ý và quyết định từ bỏ phòng khám. Dưới đây là một số lý do điển hình:
- Chất lượng dịch vụ kém: Tay nghề bác sĩ chưa cao, kỹ thuật không tốt; thiết bị y tế lỗi thời, không đảm bảo vệ sinh; thời gian chờ đợi quá lâu, gây mất kiên nhẫn cho khách hàng;…
- Thái độ nhân viên thiếu chuyên nghiệp: Nhân viên không thân thiện, thiếu nhiệt tình, không tôn trọng khách hàng; khả năng giao tiếp kém, không giải đáp các thắc mắc của khách hàng.
- Chi phí điều trị cao so với chất lượng: Chi phí dịch vụ cao hơn so với các bên khác nhưng lại không tương xứng với chất lượng, thiếu hụt các chương trình khuyến mãi, ưu đãi hấp dẫn.
- Thiếu sự cải tiến, đổi mới trong dịch vụ: Phòng khám không cập nhật công nghệ mới; website, mạng xã hội không được cập nhật thường xuyên; quảng cáo không hiệu quả, không đến được với đúng đối tượng khách hàng.
4.2. Cách giữ chân khách hàng cho Phòng khám Nha khoa
Để khắc phục các lỗi trên và giữ chân khách hàng, phòng khám nha khoa cần đảm bảo không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo sự chuyên nghiệp trong suốt quá trình điều trị. Cụ thể như sau:
- Nâng cao chất lượng dịch vụ: Đầu tư vào trang thiết bị hiện đại, đảm bảo quy trình vệ sinh và an toàn cho khách hàng, đồng thời tập trung đào tạo tay nghề bác sĩ và nhân viên để nâng cao chuyên môn và chất lượng điều trị.
- Tăng cường đào tạo nhân viên: Đào tạo nhân viên về kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống và thái độ phục vụ khách hàng đúng mực.
- Chăm sóc khách hàng sau điều trị: Liên hệ với khách hàng để hỏi thăm tình trạng răng miệng sau điều trị, chủ động nhắc lịch tái khám để thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe của khách hàng.
- Xây dựng chính sách giá cả hợp lý: Tạo các chương trình ưu đãi phù hợp cho khách hàng vào các dịp đặc biệt (lễ, tết, sinh nhật… hoặc khi cần kick sales)
- Cải tiến quy trình đặt lịch: Đơn giản hóa quy trình đặt lịch qua điện thoại, website hoặc ứng dụng; chú ý điều chỉnh lịch hẹn để khách hàng không phải chờ đợi quá lâu và có thể vào khám đúng giờ đã hẹn.
- Cập nhật công nghệ và mở rộng dịch vụ: Thường xuyên cập nhật các công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả điều trị; luôn tìm hiểu và cung cấp các dịch vụ mới, phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
- Tích cực lắng nghe và xử lý phản hồi: Chủ động lắng nghe các phản hồi của khách hàng sau mỗi lần khám hoặc điều trị để cải tiến dịch vụ, đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng.
Một kịch bản chăm sóc khách hàng nha khoa bài bản và chi tiết sẽ giúp phòng khám của bạn tạo được ấn tượng tốt, tăng sự hài lòng và tăng cường vị thế cạnh tranh trong ngành. Hy vọng những chia sẻ vừa rồi của Alehub có thể giúp bạn xây dựng một kịch bản nha khoa thu hút, giúp tiếp cận và tư vấn cho khách hàng hiệu quả hơn.
Alehub mang đến cho doanh nghiệp 3 giải pháp tối ưu nhất cho hoạt động cung ứng nhân sự và đào tạo phòng kinh doanh
Dịch vụ Telesale thuê ngoài (online, onsite, theo call, theo cam kết)
Tuyển dụng phòng kinh doanh (cung cấp CV ứng viên, headhunt, tư vấn tuyển dụng)
Cam kết 1 đổi 1, 100% chất lượng cuộc gọi, đúng deadline, add on dịch vụ, hoàn phí nếu không thực hiện đúng cam kết!
Hỗ trợ hơn 400 khách hàng, 1000+ doanh nghiệp, thương hiệu lớn như Karma Academy, Onschool, Genie Group,…, cùng 3000+ nhân sự được đào tạo kết nối.
Hotline: 098 154 9988
Email: admin@ezsale.vn
Địa chỉ:
– Hà Nội: Tòa Housing, Số 299 Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội
– TP.HCM: Số 157 đường Đào Duy Anh, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP.HCM
– Hải Phòng: Số 1/10B Lê Hồng Phong, Quận Hải An, TP.Hải Phòng
– Đà Nẵng: Số 167 Phan Châu Trinh, phường Phước Ninh, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng