hotline 0981549988 Email admin@ezsale.vn

TOP 15 Bài Phỏng Vấn Mẫu Thường Gặp & Gợi Ý Trả Lời

Alehub Solution 5 Tháng Bảy, 2024
4.3
(4)

Việc chuẩn bị trước các bài phỏng vấn mẫu trước khi bước vào vòng phỏng vấn chính thức với nhà tuyển dụng sẽ giúp ứng viên tự tin và phát huy tốt hơn. Trong bài viết hôm nay, Alehub sẽ chia sẻ đến bạn Top 15 bài phỏng vấn mẫu thường gặp, kèm theo gợi ý trả lời giúp gây ấn tượng với nhà tuyển dụng nhé!

Mục lục bài viết

1. Bài Phỏng Vấn Mẫu Giới Thiệu Bản Thân

Bài Phỏng Vấn Mẫu Giới Thiệu Bản Thân

Bài Phỏng Vấn Mẫu Giới Thiệu Bản Thân

Hãy giới thiệu về bản thân mình

Mục đích của câu hỏi này không đơn thuần chỉ để tìm hiểu thông tin cơ bản của ứng viên. Nhà tuyển dụng muốn đánh giá về kỹ năng giao tiếp, sự tự tin cũng như khả năng tự thấu hiểu bản thân của ứng viên. Do đó, thay vì chỉ trình bày những thông tin đã có sẵn trong CV, ứng viên nên lưu ý những điểm sau:

  • Dành thời gian suy nghĩ về những gì bạn muốn chia sẻ và luyện tập câu trả lời trước khi tham gia buổi phỏng vấn.
  • Tập trung vào những thông tin quan trọng, đặc biệt là những ưu điểm nổi bật của bản thân có liên quan đến vị trí ứng tuyển.
  • Sử dụng những từ ngữ tích cực để miêu tả về bản thân và kinh nghiệm.
  • Thể hiện sự nhiệt tình để cho nhà tuyển dụng biết rằng bạn thực sự thích công việc này và muốn được trao cơ hội để thử sức.
  • Nên điều chỉnh phần giới thiệu bản thân phù hợp với từng vị trí ứng tuyển cụ thể.

Hãy trình bày về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân

Mục đích của nhà tuyển dụng khi đặt ra câu hỏi này là để đánh giá khả năng tự nhận thức về bản thân, sự trung thực, tiềm năng phát triển cũng như cách mà ứng viên đối phó và khắc phục các điểm hạn chế của mình. 

Để trả lời câu hỏi này và tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng, bạn nên chú ý:

  • Lựa chọn điểm mạnh có liên quan đến vị trí ứng tuyển, có thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.
  • Cung cấp ví dụ cụ thể để chứng minh điểm mạnh của bạn.
  • Thể hiện sự tự tin vào khả năng của bản thân, tuy nhiên cũng cần khiêm tốn đúng lúc, tránh khoe khoang quá mức về bản thân mình.
  • Nên lựa chọn những điểm yếu không ảnh hưởng quá nhiều đến vị trí công việc mà bạn đang ứng tuyển.
  • Tránh nói quá nhiều về điểm yếu của mình. Thay vào đó, hãy tập trung trình bày cách mà bạn đang cố gắng khắc phục hạn chế đó.

2. Bài Mẫu Phỏng Vấn Đánh Giá Trình Độ Và Kinh Nghiệm Chuyên Môn

Bài Mẫu Phỏng Vấn Đánh Giá Trình Độ Và Kinh Nghiệm Chuyên Môn

Bài Mẫu Phỏng Vấn Đánh Giá Trình Độ Và Kinh Nghiệm Chuyên Môn

Tại sao bạn quan tâm đến vị trí này?

Đối với câu hỏi này, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá mức độ quan tâm của ứng viên đối với vị trí ứng tuyển của công ty. Họ muốn biết liệu ứng viên đã tìm hiểu kỹ về vị trí và công ty hay chưa, có thật sự đam mê với công việc này hay không. 

Để ứng phó với câu hỏi này, ứng viên nên trả lời như sau:

  • Thể hiện sự quan tâm của bạn đối với công ty thông qua việc chia sẻ những gì bạn biết và cảm thấy hứng thú về công ty. Điều này cho thấy bạn đã dành thời gian nghiêm túc tìm hiểu về công ty và thực sự muốn trở thành một phần của công ty.
  • Giải thích lý do tại sao bạn lựa chọn công việc này thông qua việc trình bày về những kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp với vị trí này mà bạn có. 
  • Chia sẻ về lý do tại sao bạn lại đam mê và muốn theo đuổi lĩnh vực này.
  • Trình bày rõ về mục tiêu nghề nghiệp, đồng thời giải thích tại sao vị trí bạn đang ứng tuyển lại phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp của bạn.

Hãy chia sẻ về một thành tựu trong công việc mà bạn thấy tự hào nhất?

Đối với câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu về những thành tích mà ứng viên đã từng đạt được trong quá khứ. Qua đó đánh giá khả năng ứng viên có thể mang lại được những gì cho công ty nếu họ được nhận vào vị trí đang ứng tuyển.

Để trả lời câu hỏi này, hãy đưa ra một ví dụ, một thành tựu thực tế mà bạn đã từng đạt được và cảm thấy thực sự tự hào về nó. Tuy nhiên, nên lựa chọn thành tựu có liên quan đến vị trí mà bạn đang ứng tuyển, hoặc thành tựu mà bạn sử dụng những kỹ năng, kinh nghiệm liên quan đến vị trí đang ứng tuyển.

Kể về một trải nghiệm khi bạn phải giải quyết một vấn đề khó khăn trong công việc? Bạn đã vượt qua nó như thế nào?

Đây là một dạng câu hỏi tình huống quen thuộc mà ứng viên có thể gặp phải ở bất cứ cuộc phỏng vấn nào. Mục đích của câu hỏi này là đánh giá kỹ năng xử lý tình huống, phân tích và ứng biến của ứng viên khi đối mặt với những vấn đề khó khăn trong công việc.

Với những câu hỏi tình huống, câu trả lời lý tưởng nhất đó chính là đưa ra ví dụ về những trải nghiệm thực tế của mình. Do đó, hãy kể về trải nghiệm thực tế của mình và tập trung nói về cách mà bạn giải quyết vấn đề đó. Có thể nói thêm về bài học kinh nghiệm mà bạn rút ra từ lần đó và cách mà bạn đã áp dụng để không mắc phải sai lầm đó lần thứ hai. 

Kể về một lần bạn mắc lỗi sai trong công việc. Bạn đã rút ra được điều gì sau sự việc đó?

Nhà tuyển dụng đặt ra câu hỏi về những sai lầm mà ứng viên đã từng gặp phải trong quá trình làm việc nhằm mục đích đánh giá khả năng học hỏi và thích nghi của ứng viên khi đối mặt với các tình huống khó xử. Đồng thời, họ cũng sẽ nắm bắt được khả năng xử lý tình huống cũng như sự trung thực, dám đứng ra chịu trách nhiệm vì sai lầm của bản thân ứng viên.

Đối với câu hỏi này, hãy lựa chọn chia sẻ về một sai lầm có liên quan đến vị trí công việc mà bạn đang ứng tuyển. Tránh nói về những sai lầm quá nghiêm trọng hoặc không phù hợp với văn hóa công ty. Ngoài ra, thay vì chỉ nói về sai lầm, hãy tập trung chia sẻ về những gì bạn học được từ sai lầm đó và cách mà bạn đã làm để không lặp lại sai lầm đó lần thứ hai. Trong quá trình chia sẻ hãy thể hiện thái độ tích cực và cầu tiến nhằm chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn thực sự đã rút ra được bài học và sẵn sàng phát triển bản thân.

3. Mẫu Bài Phỏng Vấn Đánh Giá Kỹ Năng Mềm

Mẫu Bài Phỏng Vấn Đánh Giá Kỹ Năng Mềm

Mẫu Bài Phỏng Vấn Đánh Giá Kỹ Năng Mềm

Hãy chia sẻ về một tình huống bạn phải giao tiếp với một người khó tính. Bạn đã làm gì để giải quyết tình huống đó?

Đây là câu hỏi tình huống thường được nhà tuyển dụng đưa ra nhằm đánh giá khả năng giao tiếp, quản lý cảm xúc, kỹ năng đàm phán cũng như xử lý tình huống của ứng viên. 

Hãy chia sẻ về một tình huống cụ thể khi bạn phải giao tiếp với người khó tính và cách mà bạn đã thành công xoa dịu, khiến người đó hài lòng. Lưu ý rằng trong câu trả lời của bạn phải nêu bật được những kỹ năng cụ thể mà bạn đã sử dụng khi giao tiếp với người nọ, đặc biệt là kỹ năng lắng nghe, kỹ năng thấu cảm và kỹ năng giải quyết vấn đề.

Bên cạnh đó, bạn có thể nói thêm về bài học kinh nghiệm bạn đã rút ra sau sự việc này và cách mà bạn sẽ áp dụng bài học đó trong công việc tương lai.

Hãy chia sẻ về một dự án nhóm mà bạn tham gia và đóng góp vai trò quan trọng.

Đây là câu hỏi kiểm tra khả năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống cũng như khả năng thích nghi của ứng viên. 

Để trả lời câu hỏi này, ứng viên nên lựa chọn chia sẻ về một dự án nhóm có liên quan đến vị trí đang ứng tuyển. Trong quá trình chia sẻ về dự án, hãy cho nhà tuyển dụng thấy được sự tự tin, cởi mở, am hiểu cũng như nhiệt huyết của bạn khi thực hiện dự án. Đừng quên nhấn mạnh những kỹ năng bạn đã sử dụng trong dự án, đồng thời liên hệ nó với yêu cầu công việc mà bạn đang ứng tuyển.

Ngoài ra, thay vì chỉ nói về bản thân, hãy tập trung vào những gì bạn đã đóng góp cho dự án, đồng thời thể hiện sự tôn trọng đối với các thành viên khác trong nhóm. 

Trong trường hợp bạn và đồng nghiệp/ cấp trên xảy ra xung đột hoặc bất đồng ý kiến, bạn sẽ làm gì?

Thông qua câu hỏi này, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá được kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm cũng như kỹ năng quản lý cảm xúc của ứng viên. Trường hợp bất đồng và xung đột ý kiến hoàn toàn có thể xảy ra trong quá trình làm việc. Do đó, nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên ứng viên có khả năng xử lý tình huống tốt, biết cách quản lý cảm xúc, không để cảm xúc cá nhân ảnh hưởng đến hiệu suất công việc.

Đối với câu hỏi này, ứng viên nên tóm tắt ngắn gọn tình huống mà mình đã gặp phải, giải thích rõ nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn một cách khách quan và trung lập. Kế tiếp, hãy trình bày chi tiết những hành động mà bạn đã làm để giải quyết mâu thuẫn, nhấn mạnh những kỹ năng mà bạn đã sử dụng (ví dụ như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đàm phán, khả năng thấu hiểu, lắng nghe…). Cuối cùng, chia sẻ kết quả thu được sau khi bạn giải quyết mâu thuẫn và rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân mình.

Một điểm cần lưu ý đó là tránh đổ lỗi cho đồng nghiệp hoặc đưa ra những lời bào chữa cho bản thân mình. Việc dũng cảm thừa nhận sai lầm và chịu trách nhiệm cho những sai lầm đó chính là một điểm cộng lớn, có thể giúp bạn tạo ấn tượng tốt trong mắt nhà tuyển dụng.

4. Bài Mẫu Phỏng Vấn Về Các Câu Hỏi Bẫy

Bài Mẫu Phỏng Vấn Về Các Câu Hỏi Bẫy

Bài Mẫu Phỏng Vấn Về Các Câu Hỏi Bẫy

Tại sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?

Nhà tuyển dụng đưa ra câu hỏi này nhằm đánh giá mức độ phù hợp của ứng viên đối với công việc, bởi lý do nghỉ việc có thể thể hiện được mục tiêu nghề nghiệp của ứng viên. Ngoài ra, họ cũng sẽ đánh giá được tính trung thực của ứng viên thông qua câu trả lời. 

Để trả lời câu hỏi này, ứng viên nên lựa chọn lý do nghỉ việc phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp và trình bày một cách súc tích, rõ ràng. Nên tập trung vào lý do nghỉ việc liên quan đến mong muốn phát triển của bản thân, tuyệt đối không nói xấu công ty cũ, sếp cũ hay đồng nghiệp cũ khi trả lời. 

Điểm yếu của bạn là gì?

Việc đưa ra câu hỏi về điểm yếu của ứng viên giúp nhà tuyển dụng đánh giá khả năng, trình độ cũng như tiềm năng của ứng viên cho vị trí công việc đang ứng tuyển. Ngoài ra, đây cũng là một cách để kiểm tra độ trung thực và tự nhận thức của ứng viên.

Để trả lời tốt câu hỏi này, bạn nên lựa chọn một điểm yếu có liên quan đến công việc, đồng thời trình bày về cách mà bạn đang cố gắng khắc phục điểm yếu đó. Đồng thời, tránh nói về những điểm yếu quá nghiêm trọng hoặc không phù hợp với đặc điểm công việc cũng như văn hóa công ty.

Luyện tập câu trả lời trước ở nhà, đảm bảo có thể thể hiện thái độ tích cực và cầu tiến, sẵn sàng học hỏi và thay đổi để bản thân trở nên tốt hơn. 

Điều gì ở đồng nghiệp hoặc cấp trên khiến bạn khó chịu?

Đây là câu hỏi bẫy nhằm kiểm tra khả năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống cũng như kỹ năng teamwork của ứng viên. Bên cạnh đó, thông qua câu hỏi này, họ cũng sẽ hiểu được phần nào về tính cách và thái độ của ứng viên, qua đó biết được liệu ứng viên có phù hợp với văn hóa của công ty hay không. 

Để trả lời câu hỏi này, bạn có thể mở đầu bằng cách nói qua về tầm quan trọng của việc làm việc nhóm và hợp tác. Sau đó, hãy lấy một ví dụ cụ thể đã từng xảy ra trong quá trình làm việc của bạn. Giải thích cho nhà tuyển dụng thấy đồng nghiệp của bạn đã làm gì khiến bạn khó chịu, và điều đó ảnh hưởng đến công việc của bạn như thế nào. Kế tiếp, trình bày cho nhà tuyển dụng về cách mà bạn đã sử dụng để cải thiện tình hình, đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm và cách mà bạn sẽ áp dụng nó trong tương lai.

5. Bài Phỏng Vấn Mẫu Đánh Giá Độ Phù Hợp Với Doanh Nghiệp

Bài Phỏng Vấn Mẫu Đánh Giá Độ Phù Hợp Với Doanh Nghiệp

Bài Phỏng Vấn Mẫu Đánh Giá Độ Phù Hợp Với Doanh Nghiệp

Hãy mô tả định hướng nghề nghiệp của mình

Nhà tuyển dụng cần biết về định hướng nghề nghiệp của ứng viên để xem xét xem liệu định hướng của bản thân ứng viên có phù hợp với lộ trình phát triển của vị trí mà họ đang ứng tuyển hay không. Nếu ứng viên có định hướng nghề nghiệp giống với định hướng mà công ty đặt ra, chứng tỏ ứng viên đã có sự tìm hiểu kỹ lưỡng về vị trí công việc và có tiềm năng gắn bó lâu dài với công ty.

Ngoài ra, câu trả lời cho câu hỏi này cũng sẽ cho nhà tuyển dụng thấy được sự chủ động và cầu tiến của ứng viên. Điều này thể hiện ở việc ứng viên có mục tiêu rõ ràng cho sự nghiệp của mình và đã có kế hoạch cụ thể để đạt được mục tiêu đó. 

Đối với câu hỏi này, trước hết bạn cần phải nghiên cứu kỹ về công ty và yêu cầu công việc của vị trí mà bạn đang ứng tuyển để rút ra dự đoán về hướng phát triển mà công ty dành cho vị trí này. 

Kỳ vọng của bạn khi làm việc tại công ty chúng tôi?

Trong buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng thường đưa ra câu hỏi này nhằm đánh giá một số yếu tố quan trọng của ứng viên, ví dụ như kỳ vọng của ứng viên có phù hợp với công ty hay không, mức độ phù hợp giữa ứng viên và văn hóa công ty, hay liệu ứng viên có tự tin vào khả năng của bản thân để hoàn thành tốt công việc hay không. 

Để trả lời câu hỏi này một cách hiệu quả, ứng viên cần phải có sự hiểu biết nhất định về công ty trước khi đến tham gia phỏng vấn và xác định được kỳ vọng của bản thân. Sau đó, lựa chọn những kỳ vọng phù hợp với công ty, thể hiện được sự quan tâm và mong muốn được trở thành một phần của công ty. 

Ngoài ra, trong quá trình phỏng vấn, hãy giải thích lý do tại sao những kỳ vọng của bạn lại phù hợp với công ty. Nêu ra những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm mà bạn có thể đóng góp để đạt được những kỳ vọng đó.

Mức lương mong muốn của bạn?

Mục đích của việc nhà tuyển dụng đưa ra câu hỏi về mức lương mong muốn là vì họ muốn biết ứng viên tự đánh giá giá trị bản thân như thế nào và liệu con số mà bạn đưa ra có nằm trong khả năng chi trả của công ty hay không. Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng còn có thể đánh giá thêm về khả năng đàm phán trong quá trình thỏa thuận lương thưởng, phúc lợi với bạn,

Đối với câu hỏi này, trước hết bạn cần phải nắm được mức lương trung bình dành cho vị trí mà bạn đang ứng tuyển tại khu vực mà bạn đang sinh sống. Kế đó, hãy đánh giá về kỹ năng, kinh nghiệm, trình độ cũng như thành tích của bản thân để tự xác định giá trị của bản thân. Qua đó đưa ra mức lương thỏa đáng với giá trị mà mình có thể mang lại.

Trong quá trình phỏng vấn, hãy giải thích lý do tại sao bạn lại đề xuất mức lương này. Tuy nhiên, cũng nên chú ý đừng quá cứng nhắc trong quá trình đàm phán, hãy lắng nghe thêm ý kiến từ phía nhà tuyển dụng và bàn bạc thật kỹ, đảm bảo con số cuối cùng có thể làm hài lòng cả 2 phía.

Trên đây là một số bài phỏng vấn mẫu chia theo chủ đề mà Alehub muốn chia sẻ đến bạn. Hi vọng với những nội dung có trong bài, bạn đọc đã nắm rõ cách để trả lời các câu hỏi phỏng vấn và tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng trong quá trình phỏng vấn trực tiếp.

Đánh giá bài đăng này?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá nó!

Đánh giá trung bình 4.3 / 5. Số vote: 4

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận